Vai trò của truyền thông đối với thư viện và một vài gợi mở về truyền thông tại Thư viện tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 21/06/2023 15:01
Ngày đăng: 21/06/2023 15:01
Hiện nay, Thư viện tỉnh Đắk Lắk có gần 200 ngàn bản sách với hơn 68 ngàn đầu sách, hơn 6000 bản sách điện tử, sách nói, âm thanh, hình ảnh các loại. Số lượng này hằng năm vẫn được quan tâm, bổ sung. Với nguồn tài nguyên thông tin tương đối phong phú, đa dạng, Thư viện tỉnh đang là đầu mối triển khai công tác luân chuyển tài liệu đến các thư viện huyện, thư viện trường học, các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin nói trên, bên canh các hình thức phục vụ truyền thống như cho mượn, luân chuyển… thì các hình thức phục vụ mới, phù hợp với xu thế cũng cần được hình thành để nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện. Một trong những giải pháp để thực hiện được điều này chính là làm tốt công tác truyền thông trong hoạt động thư viện.
Điều 33, Luật Thư viện chỉ rõ: Thư viện thực hiện truyền thông các nội dung sau: Tài nguyên thông tin; sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện; tiện ích thư viện; nhân lực thư viện… Các hình thức truyền thông thư viện bao gồm: Trưng bày, triển lãm giới thiệu sách, sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện; giao lưu, tọa đàm, hội nghị, hội thảo, thuyết trình; tố chức sự kiện văn hóa, giáo dục liên quan đến thư viện; xây dựng quan hệ công chúng, hình ảnh thư viện…
Hoạt động phục vụ thiếu nhi tại Thư viện
Vai trò quan trọng của truyền thông đối với các hoạt động xã hội là điều không thể phủ nhận. Với thư viện, truyền thông sẽ phát huy được một số nội dung sau:
Truyền thông giúp xây dựng hình ảnh cho thư viện: Ở nội dung này, truyền thông sẽ giúp xã hội có được cái nhìn thấu đáo về sứ mệnh của thư viện. Đó là nơi cung cấp và thúc đẩy việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên thông tin, với kho tàng tri thức của nhân loại để phục vụ cho nhu cầu học tập, giải trí và phát triển của người dân. Bằng việc cung cấp các thông tin và dịch vụ thư viện, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận hơn, thấy được chào đón hơn và hiểu hơn về thư viện. Truyền thông cho thấy thư viện hiện đại không chỉ phục vụ người sử dung thư viện tới khai thác sử dụng tài nguyên thông tin mà còn luôn cập nhật và tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Truyền thông cung cấp các thông tin về những đặc trưng của sản phẩm và dịch vụ thư viện. Có một thực tế là đa phần trong lối suy nghĩ phổ biến của nhiều người chỉ coi thư viện đồng nghĩa với “kho sách" và người làm công tác thư viện là người trông coi kho sách đó. Công chúng đến với thư viện để sử dụng thư viện nhưng họ lại không biết hết tất cả các sản phẩm và dịch vụ mà họ có thể được phục vụ tại đây. Truyền thông sẽ giúp họ hiểu rõ hơn các đặc trưng cụ thể của mỗi sản phẩm và dịch vụ của thư viện qua đó có thể lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của bản thân. Lúc này người sử dụng thư viện sẽ cảm thấy hài lòng hơn và khả năng quay trở lại để tiếp tục sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thư viện sẽ cao hơn.
Truyền thông giúp kết nối và xây dựng mạng lưới giữa các thư viện để giao lưu, cập nhật tình hình trong ngành, giúp liên kết thư viện trong nước và quốc tế. Thông qua các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn trong và ngoài nước, các thư viện có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời tìm hiểu, tiếp cận những kiến thức nghiệp vụ thư viện mới, tiên tiến trên thế giới hoặc những kinh nghiệm tổ chức hoạt động thư viện đổi mới, sáng tạo.
Cán bộ, viên chức Thư viện tỉnh tham gia Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách năm 2022
Truyền thông trong hoạt động thư viện không chỉ đưa thông tin một chiều mà còn kịp thời giải đáp thắc mắc, tiếp nhận các ý kiến phản hồi, góp ý để khắc phục các hạn chế trong công tác phục vụ. Qua đó giúp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, gắn kết với người sử dụng thư viện, biến thư viện dần trở thành một phần sống động trong đời sống xã hội.
Thư viện tỉnh Đắk Lắk trưng bày mô hình chào mừng Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam năm 2023
Trước thực trạng bùng nổ hiện nay của các phương tiện kỹ thuật số, Thư viện tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực để phù hợp với xu thế, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, số hoá tài liệu, cung cấp hệ thống tra cứu, khai thác thông tin trực tuyến đang được chú trọng triển khai. Hệ thống phòng đọc tại thư viện cũng được bố trí đa dạng, cuốn hút, phù hợp với từng đối tượng độc giả. Các hoạt động định kỳ, đem lại hiệu quả cao như tổ chức chuyến xe ô tô thư viện lưu động mang tên “Ánh sáng tri thức” phục vụ các trường học vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; Chương trình Mỗi tuần một cuốn sách trên đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk… Hằng năm, Thư viện tỉnh Đắk Lắk còn tham gia các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách, giới thiệu về thư viện, qua đó quảng bá hình ảnh của thư viện trong mạng lưới thư viện toàn quốc. Với tầm quan trọng của truyền thông, một số giải pháp mới có thể tiếp tục được triển khai tại thư viện như: Mở rộng hơn nữa việc phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh còn có các trang báo, tạp chí, các kênh tuyên truyền qua mạng xã hội. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy truyền thông qua các hoạt động, sự kiện tổ chức tại thư viện để thu hút đông đảo công chúng tham dự. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Thư viện tỉnh còn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp lãnh đạo thông qua các Kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực thư viện. Với những chuyển biến và quan tâm đó, chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động thư viện sẽ có nhiều khởi sắc.
Minh Khoa